Nhiều người tự hỏi chỉ là căn nhà cổ mà sao nhà trình tường ở Hà Giang có sức hút nhiều đến vậy. Để biết được câu trả lời, đừng ngại thử đến đây một lần và khám phá.
Hà Giang - nơi chứa đựng sự kỳ vĩ của Tổ quốc, nơi thách thức những con người mê khám phá, mạo hiểm. Những cao nguyên rộng lớn mênh mông, những cánh đồng hoa bát ngát nở khắp 4 mùa là điều mà ai cũng biết về Hà Giang. Nhưng gần đây, một nơi dù chỉ mới được biết đên nhưng lại được nhắc tên không ít chính là nhà trình tường ở Hà Giang.
Những căn nhà mộc mạc giữa thung lũng cao nguyên đá (Ảnh: @tran_tu_gl)
Nhà trình tường ở Hà Giang là những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đất, tọa lạc tại xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Được nhận xét là biểu tượng của sự độc đáo trong kiến trúc của người Mông sinh sống tại cao nguyên đá này.
Những ngôi nhà chủ yếu có màu xám và nâu đất, thiết kế tương đồng nhau gồm ba gian. Đặc điểm của kiểu nhà này là dù mùa đông hay mùa hè thì ở trong nhà cũng đều không bị lạnh hoặc bị nóng. Hơn nữa, người dân còn kể rằng, thiết kế của ngôi nhà trình tường ở Hà Giang còn có tác dụng chống thú dữ và kẻ gian đột nhập.
Đặc biệt, bao quanh các ngôi nhà đều có một bức tường đá. Những hòn đá được đưa về làm hàng rào có hình dạng không cái nào giống cái nào. Những viên đã được sắp xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên nhìn khá thú vị và vào ảnh cũng rất "nghệ".
Hàng rào đá cũng là một phần đặc biệt của nhà trình tường (Ảnh: @usagi_be_xiu)
Ngoài những thứ kể trên, nhà trình tường ở Hà Giang còn có gì mà khiến giới trẻ thi nhau lên cao nguyên check-in rầm rộ như vậy?
Nhà trình tường thì ở cao nguyên đá Đồng Văn có một loạt, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ngôi nhà 2 tầng, từng xuất hiện trong phim "Chuyện của Pao". Đây là ngôi nhà do nhân vật Pao sinh sống, dù là so với trên phim hay so với nguyên tác 'Tiếng đàn môi sau bờ rào đá' thì ngôi nhà này vẫn giữ được nét đẹp vừa dân tộc, vừa hoang sơ nhưng cũng có gì đó trữ tình, nên thơ.
"Nhà của Pao" là căn nhà đưa du khách đến với những ngôi làng ở Đồng Văn (Ảnh: @duongjourney)
Chủ nhân của ngôi nhà là một vị trưởng lão của người Mông ở thôn Sủng Là - ông Mua Súa Páo. Nhìn bao quát thì kiến trúc ở đây rất giống với những ngôi làng cổ ở Hàn Quốc. Được biết, ngôi nhà này cũng là tượng trưng cho nhà của các dòng dõi danh gia vọng tộc người Mông.
Căn nhà này là nhà của tầng lớp quý tộc người Mông (Ảnh: @linhmush)
Nằm giữa bốn bề rừng núi hoang sơ, kỳ vĩ, ngôi nhà trình tường này khiến cao nguyên đá cằn cỗi trở thành bức tranh thơ mộng, gây thương nhớ cho mỗi du khách đến đây. Sự cộng hưởng giữa cuộc sống bình yên, êm đềm của con người vùng cao và thiên nhiên hùng vĩ khiến ai đặt chân lên đây cũng sẽ cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm hơn trong tâm hồn.
Cũng như những nhà trình tường khác, xung quanh "nhà của Pao" được bao bọ bởi lớp hàng rào đá. Điều khác biệt là cổng vào được làm bằng gỗ, dựng chân cột chắc chắn và mái ngói trông cổ kính và sang hơn bình thường.
Cổng nhà Pao (Ảnh: @vietha.bee)
Vào trong là khoảng sân nhỏ, nhìn lên thấy căn nhà hai tầng phủ quanh 3 phía. Phần sân trước nhà cũng được làm bằng đá nhưng được gọt dũa phẳng phiu, đắp lát kỳ công hơn. Ngôi nhà chia thành 3 gian và nhiều phòng, mỗi phòng có một chức năng khác nhau như phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp, phòng nuôi gia súc,...
Nhiều người yêu thích ngôi nhà này là bởi càng đi qua thời gian, ngôi nhà càng được phủ thêm "màu" cổ kính, mộc mạc, trữ tình. Ngoài ra, không khí ở đây cũng rất trong lành và yên bình, phù hợp với những ai đang muốn tìm một nơi để cân bằng cảm xúc, giải tỏa bộn bề trong lòng và "chạy trốn" phố thị tấp nập.
Nhà được lợp mái ngói (Ảnh: @trantieuphung)
Một số góc check-in đẹp của căn nhà (Ảnh: @dyucuc)
(Ảnh: @mydaughter_herdameisman)
Cánh cổng giống hệt các phim trường làng cổ ở Hàn Quốc (Ảnh: @trangtrang193)
Một lưu ý nhỏ khi đến nhà trình tường ở Hà Giang này là bạn phải mua vé vào cửa với mức giá 10.000 đồng/người. Nhưng bù lại, bạn tha hồ check-in, mặc đồ dân tộc chụp ảnh, nhất là vào mùa hoa thì còn được mãn nhãn ngắm cảnh xung quanh.
Miêu tả chừng đấy chắc bạn cũng phần nào hình dung ra vì sao mọi người lại thích tìm đến ngôi làng này rồi đúng không? Nhưng để có cảm nhận chân thực nhất, hãy trải nghiệm bằng một chuyến lên cao nguyên đá Đồng Văn nhé.